Flag of Vietnam

Cúm đại dịch và các nguy cơ mới nổi khác

Ngôn ngữ: English | Vietnamese
USAID hỗ trợ mô hình chợ hợp vệ sinh để giúp ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
USAID hỗ trợ mô hình chợ thịt gia cầm và cơ sở giết mổ hợp vệ sinh giúp ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Richard Nyberg/USAID

Việt Nam thuộc khu vực có nguy cơ tương đối cao về các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, trong đó có dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật nẩy sinh do sự tương tác giữa các hệ sinh thái con người, vật nuôi và động vật hoang dã. Các ví dụ về dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi có ảnh hưởng tới Việt Nam trong những năm gần đây bao gồm dịch SARS năm 2003, dịch cúm A (H5N1) từ cuối năm 2003 đến nay, dịch cúm A (H5N6) và chủng cúm A đại dịch (H1N1) năm 2009. Các thực hành có nguy cơ cao liên quan đến an ninh sinh học của hoạt động chăn nuôi và nuôi các loài động vật hoang dã, thương mại và tiêu thụ các sản phẩm từ động vật vẫn là một mối lo ngại lớn và sẽ cần phải có nỗi lực lâu dài. USAID đã hỗ trợ củng cố các hệ thống quốc gia để khắc phục hiệu quả các mối đe dọa này cũng như các đe dọa về sức khỏe xuyên quốc gia và mới xuất hiện khác ở cả con người và động vật.

Cúm

Mặc dù số đợt bùng phát dịch cúm H5N1 được ghi nhận đã giảm mạnh trong những năm gần đây nhưng việc bùng phát loại virut cúm này vẫn xẩy ra ở gia cầm và thi thoảng có xẩy ra ở con người. Cúm A H7N9 ở con người và động vật đã lưu hành ở Trung quốc từ năm 2013 và cũng là một ví dụ về một nguy cơ nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế.

Kể từ năm 2005, USAID đã hợp tác ở cấp trung ương và tại các tỉnh có nguy cơ cao ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long để củng cố khả năng sẵn sàng ứng phó, lập kế hoạch và phối hợp liên ngành ở cấp quốc gia và cấp vùng để ngăn chặn lây truyền cúm và các loại virut khác từ động vật sang người. Phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi hỗ trợ phát hiện và cảnh báo sớm các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm và cúm ở người thông qua cải thiện hệ thống giám sát quốc gia và dựa vào cộng đồng, trong đó chú trọng đến sự tương tác giữa hệ sinh thái con người và động vật trong khuôn khổ chương trình Một Sức Khỏe, đồng thời hỗ trợ xây dựng năng lực phản ứng nhanh. USAID đã hỗ trợ tập huấn, một hệ thống thông tin thú y được cái tiến, cung cấp thiết bị và hàng hóa giúp phòng chống cúm gia cầm và cúm đại dịch, nâng cao năng lực chẩn đoán trong phòng thí nghiệm và chia sẻ những thực hành tốt nhất và bài học kinh nghiệm.

Mối đe dọa đại dịch mới nổi

USAID khởi động chương trình Mối đe dọa Đại dịch Mới nổi giai đoạn 2 (EPT-2) năm 2004, một dự án dựa trên thành công của các dự án khác của USAID trong lĩnh vực giám sát dịch bệnh, tập huấn và ứng phó dịch bùng phát. Chương trình EPT-2 mở rộng các nền tảng vận hành, các quan hệ giữa các tổ chức và nền tảng kiến thức được phát triển trong thập kỷ vừa qua với các hoạt động của chương trình EPT-1 và và các hoạt động phòng chống cúm gia cầm nhằm ngăn chặn sớm hoặc ứng phó tại nguồn dịch các dịch bệnh đang mới nổi có nguồn gốc từ động vật có thể đe dọa sức khỏe con người. Chương trình EPT-2 sẽ trực tiếp cải thiện năng lực của hơn 20 quốc gia trọng điểm tại châu Phi và châu Á để ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các nguy cơ bệnh truyền nhiễm mới nổi. Đây cũng là những mục tiêu then chốt trong Chương trình Nghị sự An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA) và Điều lệ Kiểm dịch Y tế Quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình GHSA, với hỗ trợ từ USAID, Việt Nam đang giữ vai trò đi đầu toàn cầu trong việc đối phó với các bệnh lây truyền từ động vật sang người cũng như trong việc mở rộng phạm vi và chức năng hoạt động của các trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp.  

Chương trình EPT-2 của USAID tập trung vào giúp các nước phát hiện các loại virut có khả năng gây đại dịch, cải thiện năng lực phòng thí nghiệm để hỗ trợ giám sát và ứng phó một cách phù hợp và kịp thời, củng cố các năng lực ứng phó cấp trung ương và địa phương, giải quyết mối đe dọa mới nổi về kháng thuốc kháng sinh và nâng cao nhận thức của các nhóm dân số có nguy cơ về cách phòng ngừa phơi nhiễm với các mầm bệnh nguy hiểm. Chương trình EPT-2 do USAID quản lý với hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO). Ngoài ra, USAID cũng trao thầu 3 dự án mới trong năm 2014 (Predict-2, Nguồn nhân lực Một Sức Khỏe và Chuẩn bị Sẵn sàng và Ứng phó) nhằm cung cấp hỗ trợ bổ sung cho các nước đang phát triển.

Kể từ năm 2005, USAID đã cung cấp hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ kỹ thuật trị giá trên 75 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam thông qua các đối tác thực hiện dự án và với sự hợp tác chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y tế.