Việt Nam xiết chặt kiểm soát các nguy cơ đại dịch mới nổi

Một nông dân ở Hà Nam đem gà đến tiêm vắc xin.
Một nông dân ở Hà Nam đem gà đến tiêm vắc xin.
Richard Nyberg/USAID
Với kiến thức và trang thiết bị tốt hơn, hệ thống cán bộ thú y và bác sỹ thú ý giờ đây có thể phát hiện virút và ứng phó hiệu quả hơn với các ổ dịch bùng phát.
"Nếu nhìn vào số lượng các ổ dịch bùng phát, từ năm 2003 đến nay, chúng ta có thể thấy số ổ dịch có giảm theo từng năm."

Tại Việt Nam, người dân địa phương và chính quyền trước đây gặp nhiều khó khăn trong ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh thì giờ đây đã rất thành thạo trong việc kiểm soát để người dân không thả rông gia cầm nhiễm bệnh. Và họ đang ngày càng kiểm soát tốt hơn nạn buôn lậu gia cầm xuyên biên giới để ngăn chặn các ổ dịch bùng phát gây đe dọa cho các đàn gia cầm lớn và sức khỏe con người.

Phải cố gắng nói to để át tiếng đàn vịt đang ào ào xuống sông và tiếng một con gà trống đang gáy vang khi thấy một chiếc xe tải đi ngang qua, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết giờ đây ông lại có thể chu cấp cho gia đình gồm sáu người với thu nhập từ công việc chăn nuôi gia cầm.

Cũng như đàn gia cầm của nhiều hộ chăn nuôi khác, đàn gia cầm của gia đình ông Hòa tại xã Lễ Môn, tỉnh Quảng Trị, bị thiệt hại toàn toàn trong đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 năm 2005. Và cũng giống như nhiều người chăn nuôi khác, sau những nỗ lực phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam, ông đã chăn nuôi gia cầm trở lại. Đây là dấu hiệu tốt về khả năng phòng chống dịch bệnh và quyết tâm của Việt Nam sau khi hết dịch.

Với hỗ trợ trị giá trên 50 triệu USD trong tám năm qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đóng một vai trò đáng kể hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm giúp những người chăn nuôi như ông Hòa phòng chống cúm gia cầm và ứng phó hiệu quả hơn với các nguy cơ đại dịch trong tương lai. Trên thực tế, hầu hết các chủng virút cúm gia cầm mới trong hai năm vừa qua được phát hiện trực tiếp thông qua hỗ trợ của USAID dành cho các phòng xét nghiệm và hệ thống cán bộ thú y ở các cấp trên toàn quốc và giờ đây họ được trang bị tốt hơn để có thể tìm ra virút và ứng phó hiệu quả hơn với các ổ dịch bùng phát.

Việt Nam đã đối phó thành công với dịch cúm gia cầm nhưng cũng chịu nhiều thiệt hại. Kể từ năm 2003, Việt Nam đã phải tiêu hủy trên 63 triệu con gia cầm ở 40 trên tổng số 63 tỉnh thành. Trong số 123 ca nhiễm vi rút H5N1 ở người có 61 ca (chiếm khoảng 50%) tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tháng 9/2012, cả thế giới có 608 ca nhiễm cúm gia cầm ở người và 359 ca tử vong tại 15 quốc gia.

Theo Tiến sĩ Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và xác định các chủng virút, cách nuôi gia cầm truyền thống tại Việt Nam tạo ra một thách thức đối với nông dân ở miền bắc và miền nam. "Trong hệ thống chăn nuôi xen kẽ tại các vùng nông thôn Việt Nam, một hộ gia đình có thể cùng đồng thời chăn nuôi gà, vịt và ngan, do đó việc lây truyền vi rút giữa các loại gia cầm xẩy ra là lẽ đương nhiên", Tiến sĩ Thành cho biết. Ông cũng lưu ý rằng 80% vật nuôi tại Việt Nam được nuôi ở vườn nhà.

Các số liệu gần đây từ tháng 10/2011 cho thấy Việt Nam có 75 triệu con vịt và trên 232 triệu con gà. Mỗi năm có thêm hàng triệu con gà được nhập khẩu trái phép vào Việt Nam từ Trung Quốc và chính phủ gần đây đã chỉ đạo xử lý nghiêm nạn buôn lậu gia cầm để đối phó với nguy cơ nhiễm vurút H5N1 và các chủng virút biến thể.

Kể từ năm 2010, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và tám phòng xét nghiệm vùng có các trang thiết bị do USAID tài trợ thông qua Tổ chức Nông Lương Liên hợp Quốc (FAO) đã phân tích và xác định 397 chủng vurút từ các mẫu bệnh phẩm, trong đó có 217 chủng được xác định trong năm 2012 (tính đến tháng 9).

"Nếu nhìn vào số lượng các ổ dịch bùng phát, từ năm 2003 đến nay, chúng ta có thể thấy số ổ dịch có giảm theo từng năm. Hiện tại chúng ta thấy vẫn còn ổ dịch, tuy nhiên chỉ xẩy ra lác đác", Tiến sĩ Thành cho biết.

Năm 2004, Việt Nam ghi nhận có 2.574 ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Năm 2011 chỉ còn 45 ổ dịch. "Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong kiểm soát cúm gia cầm", Tiến sĩ Thành cho biết thêm. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của các các biện pháp như tiêm vắc xin, khoanh vùng dịch và khử trùng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương Nguyễn Tùng, với các trang thiết bị và đào tạo do USAID hỗ trợ ở tám phòng xét nghiệm trung ương và khu vực, các kết quả xét nghiệm vốn trước đây phải mất ba ngày thì giờ đây chỉ cần dưới 24 giờ.

Với các thiết bị dùng để phân tích vurút từ các mẫu bệnh phẩm thu thập được thông qua các hoạt động giám sát do USAID hỗ trợ, chẳng hạn như các chợ kinh doanh gia cầm sống, Việt Nam có thể kiểm soát hiệu quả hơn sự lây lan dịch bệnh và các ổ dịch được công bố.

"Để kiếm soát cúm gia cầm, chúng ta phải hiểu rõ virút thâm nhập vào Việt Nam thông qua con đường nào", nhà nghiên cứu virút của FAO Ken Inui cho biết. "Nếu chúng ta biết chính xác đường thâm nhập của virút thì các tốt nhất để kiểm soát virút là cắt đứt đường di chuyển của chúng."

Các kiến thức mà các chuyên gia Việt Nam và quốc tế tích lũy được trong thập kỷ vừa qua trong lĩnh vực phòng chống cúm gia cầm độc lực cao cũng áp dụng được cho các dịch bệnh khác.

"Những kinh nghiệm mà chúng tôi có được trong phòng chống cúm gia cầm cũng như công nghệ mà chúng tôi sử dụng để chẩn đoán cúm gia cầm cũng có thể được sử dụng cho các loại dịch bệnh khác, chẳng hạn như bệnh lở mồm long móng và bệnh tai xanh ở đàn lợn, bệnh dịch tả và bệnh sốt lợn cổ điển", ông Tùng cho biết. "Chúng ta có thể sử dụng các trang thiết bị mới này cho bệnh tai xanh, bệnh sốt lợn cổ điển và bệnh Newcastle (bệnh dịch tả ở gà)."

Biết rõ cần làm gì khi có đại dịch đe dọa bùng phát là cách phòng ngừa đầu tiên của những người chăn nuôi như ông Hòa.