Phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ David Shear tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012

Thứ Năm, Tháng ba 14, 2013
Đại sứ Hoa Kỳ David Shear phát biểu tại Lễ công bố Chỉ số PCI năm 2012 tại Hà Nội.
Đại sứ Hoa Kỳ David Shear phát biểu tại Lễ công bố Chỉ số PCI năm 2012 tại Hà Nội.
USAID/Vietnam

HÀ NỘI, ngày 14/03/2013 -- Tôi rất vinh hạnh được cùng quý vị tham dự Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2012 ngày hôm nay. Sự kiện này đánh dấu tám năm hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ trong nỗ lực hỗ trợ cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và năng lực cạnh tranh của các tỉnh thành trên cả nước.

Chỉ số PCI là phong vũ biểu đo lường cảm nhận của doanh nghiệp tư nhân về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đây là một công cụ hữu ích giúp lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh xác định các lĩnh vực điều hành cần phải cải thiện. Kể từ năm 2005 đến nay, hơn 50 địa phương đã và đang sử dụng PCI để phát huy điểm mạnh, nhận dạng các mô hình tốt nhất, và khắc phục điểm yếu trong công tác điều hành kinh tế của mình.

Điểm số của các tỉnh được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các đối tác phát triển và người dân theo dõi sát sao. Chúng tôi xin chúc mừng các nhà lãnh đạo cấp tỉnh, những vị hiểu thực tế này, những vị đã tham gia đối thoại công-tư nhằm tạo sự đồng thuận về những việc cần làm, những vị đã có hành động cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh tại tỉnh mình

Báo cáo PCI 2012 nhấn mạnh tầm quan trọng của điều hành kinh tế trong việc thu hút đầu tư, tạo việc làm, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là khi điều kiện kinh tế chung đang khó khăn. Báo cáo PCI năm nay nêu bật những nỗ lực liên tục của nhiều địa phương trong nhóm "Trung vị" đã có những cải thiện như giảm thiểu thời gian chờ đợi đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp, giảm tham nhũng vặt. Khảo sát khuyến nghị cần cải thiện hơn nữa ở các lĩnh vực như giá đền bù đất đai, thiết chế pháp lý cấp tỉnh, hỗ trợ của lãnh đạo địa phương đối với khu vực kinh tế tư nhân; và cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp từ cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh.

Khảo sát năm nay cũng cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục tập trung vào công tác điều hành kinh tế. Điểm số chung về điều hành kinh tế giảm, và không có một tỉnh nào đạt mức Xuất sắc ở 65 điểm. Việc giảm điểm này có thể là sự phản ánh sự lo ngại của các doanh nghiệp về môi trường kinh tế khó khăn, nhưng nó cũng ngụ ý rằng chính quyền trung ương và địa phương cần kết hợp với nhau tốt hơn để giải quyết những cải cách trên cả nước về các lĩnh vực khó như đất đai, tham nhũng và minh bạch. "Mức trần" cho tất cả các điểm số PCI mà chúng tôi quan sát trong thời gian qua có thể cho thấy rằng những thách thức mang tính toàn quốc này ít nhất cũng góp phần gây cản trở sự cải thiện hơn nữa.

Báo cáo cũng cung cấp một bức tranh khái quát thể hiện quan điểm của 1,540 Doanh nghiệp Đầu tư Nước Ngoài (FIE) về môi trường đầu tư của Việt Nam. Lần đầu tiên, khảo sát Doanh nghiệp Đầu tư Nước Ngoài đưa ra những hiểu biết về rủi ro được các nhà đầu tư nhìn nhận như thế nào trong môi trường kinh doanh của Việt Nam và những chiến lược mà các nhà đầu tư sử dụng để giảm thiểu những rủi ro đó. Tuy những phản hồi này không ảnh hưởng tới thứ hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh nhưng nó cung cấp những thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các giải pháp thích hợp để thu hút đầu tư. Cùng với sự sụt giảm của kinh tế gần đây, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong năm vừa qua và sự lạc quan của họ trong năm tới đang ở mức thấp nhất kể từ khi khảo sát FIE được bắt đầu ba năm trước đây. Đây là xu hướng khó khăn cho những ai đang cống hiến cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.

Khảo sát năm nay nhận thấy tình trạng tham nhũng trong mua sắm công quy mô lớn tăng lên, mặc dù tham nhũng vặt tiếp tục giảm. Khối doanh nghiệp tư nhân có vai trò chủ chốt trong việc chống tham nhũng, và một cuộc đối thoại thẳng thắn chính là bước đi quan trọng đầu tiên tiến tới cải cách.

Các chính quyền địa phương cũng có thể đi đầu trong việc nâng cao tính minh bạch, một trong những phương pháp hiệu quả nhất để cải thiện điểm số PCI, qua các chương trình như những chương trình được tài trợ bởi Quỹ Bill và Melinda Gates dưới quan hệ đối tác với Bộ Thông tin và Truyền Thông. Sáng kiến này giúp cộng đồng cư dân vùng sâu vùng xa có điều kiện tiếp cận internet, nhờ đó tăng khả năng tiếp cận thông tin về các quy hoạch phát triển của địa phương và các quy định kinh doanh . Việc này cũng tạo ra nhiều cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi. Tính minh bạch góp phần vào trách nhiệm giải trình, nòng cốt của mối quan hệ đối tác thành công giữa chính phủ với người dân và doanh nghiệp.

Nói tóm lại, báo cáo PCI tiếp tục có những đóng góp cho việc cải thiện điều hành kinh tế và giúp cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam thuận lợi hơn. Chúng tôi lấy làm hài lòng rằng với sự lãnh đạo của VCCI, báo cáo PCI đã chứng tỏ sự quan trọng và thiết thực, nhưng chúng tôi cũng khuyến khích các chính quyền địa phương suy nghĩ rộng hơn. Một cách tiếp cận trong công tác phát triển, cách tiếp cận đề cao mọi yếu tố liên quan tới sự tham gia toàn diện, đặc biệt là phụ nữ, trong họat động kinh tế, chính là một công thức đúng để thành công. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới các doanh nghiệp đã tham gia Khảo sát PCI 2012. Nếu không có sự tham gia đó, báo cáo PCI 2012 đã không thể được thực hiện. Tôi tin tưởng rằng báo cáo năm nay sẽ là chất xúc tác cho những cam kết mới mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền trung ương và địa phương trong công cuộc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế vì lợi ích của mọi người dân Việt Nam.

Xin cảm ơn quý vị và các bạn.

Issuing Country