Phát biểu của Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker tại Lễ giới thiệu các chương trình hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ

Thứ Ba, Tháng mười 27, 2015
Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại buổi lễ giới thiệu các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.
Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại buổi lễ giới thiệu các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.
USAID/Vietnam

HÀ NỘI, 27/10/2015 -- Tôi rất vui mừng được cùng quý vị tham gia sự kiện sáng nay để công bố cam kết chung của chúng ta cho một giai đoạn hợp tác mới trong công tác hỗ trợ người khuyết tật. Như quý vị đã biết, năm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trong quãng thời gian đó, chính phủ hai nước đã hợp tác và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực về tăng trưởng kinh tế và thương mại, y tế, giáo dục và giải quyết di sản chiến tranh. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác nhằm hỗ trợ người khuyết tật của chúng ta đã bắt đầu sớm hơn thế và thể hiện nhiều khát vọng chung nhất của nhân dân hai nước. Xét theo nhiều khía cạnh quan trọng thì hoạt động hợp tác này là một thành phần then chốt trong quan hệ giữa hai nước trong quá khứ và tương lai; đồng thời cũng là một phần quan trọng trong quan hệ hợp tác của chúng ta để giải quyết di sản chiến tranh.

Sự kiện năm ngoái Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật đã đánh dấu một bước ngoặt và thể hiện cam kết của Việt Nam về vấn đề tôn trọng các quyền, bảo vệ giá trị của sự đa dạng và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng. Sự kiện này bổ sung một phương diện mới và quan trọng trong hợp tác của chúng ta đồng thời cũng là cốt lõi trong chiến lớn hơn của USAID về hợp tác phát triển với trọng tâm hướng vào sự hòa nhập.

Trước khi phê chuẩn Công ước, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ phê duyệt một số luật và chính sách quan trọng đem lại lợi ích cho người khuyết tật. Đây là các chính sách mang tính bước đệm nhằm hỗ trợ hòa nhập xã hội và tôn trọng các quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi ở Hoa Kỳ, có lẽ việc đưa chính sách vào thực tiễn lại là một thách thức lớn hơn. Đó là lý do khiến chúng tôi rất vui mừng khi ba tuần trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ ngành. Chính phủ Hoa Kỳ vui mừng hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu này thông qua các dự án hỗ trợ được công bố ngày hôm nay cũng như hỗ trợ giải quyết các nhu cầu của cá nhân người khuyết tật sinh sống tại các tỉnh có tỷ lệ nghèo và tỷ lệ người khuyết tật cao và các tỉnh nơi Chất Da cam được sử dụng nhiều.

Các dự án được công bố hôm nay đã đúc rút những bài học kinh nghiệm từ quá khứ, trong đó có cả những bài học thu được qua quá trình đánh giá kỹ lưỡng. Biện pháp tiếp cận của chúng tôi tái định hướng hoạt động hợp tác và nhấn mạnh vào hợp tác tối đa với các đối tác địa phương và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong lĩnh vực về khuyết tật. Chúng tôi hy vọng rằng quan hệ hợp tác của chúng ta sẽ giúp cải thiện sức khỏe, khả năng sống độc lập và sự tham gia của người khuyết tật và đời sống kinh tế và xã hội.

Thay mặt Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tôi xin cảm ơn tất cả các bộ ngành và các cơ quan liên quan đã hợp tác trong quá trình xây dựng dự án phù hợp với những thách thức mà người khuyết tật đang gặp phải. Sáu tổ chức thực hiện đều có mặt tại đây và xin mời từng tổ chức đứng dậy khi tôi nêu tên – Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Cộng đồng, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (ACDC), tổ chức Handicap International, Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth), Tổ chức Trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam (VNAH), và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Hướng tới năm năm hợp tác tiếp theo, hi vọng rằng sẽ có thêm nhiều đối tác cùng tham gia với sáu tổ chức thực hiện này.

Ba dự án trong số này do các tổ chức của Việt Nam thực hiện và tôi rất tự hào bởi mỗi tổ chức đều thể hiện vai trò hết sức thuyết phục trong những cuộc gặp gỡ với các cơ quan quan trọng của Hoa Kỳ như văn phòng của Thượng nghị sỹ Leahy và Cố vấn Đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Quyền của Người khuyết tật. Chúng tôi cũng hoan nghênh những cam kết từ các tổ chức quốc tế thực hiện dự án. Họ đều là những đối tác tích cực và đáng tin cậy của Việt Nam trong nhiều năm.

Một yếu tố quan trọng trong quan hệ hợp tác của chúng ta là hoạt động vận động chính sách về người khuyết tật, kiện toàn chính sách và các hệ thống phục vụ người khuyết tật. Công ước về Quyền của Người khuyết tật yêu cầu tăng cường giám sát dữ liệu và tiếp cận nhằm gây tác động tới việc cung cấp dịch vụ cụ thể theo ngành trong các lĩnh vực như xây dựng và giao thông. Công tác phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật sẽ tạo điều kiện cho hoạt động điều phối về người khuyết tật mạnh mẽ hơn ở cấp trung ương và cấp địa phương, và giúp đảm bảo thực hiện tốt hơn các quy định như tiêu chuẩn về tiếp cận, ưu đãi việc làm và giáo dục cho người khuyết tật.

Chương trình mới cũng sẽ giúp cải thiện các biện pháp trị liệu bao gồm vận động trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu cho người khuyết tật và cung cấp các thiết bị hỗ trợ. Những biện pháp trị liệu này được ghi nhận là con đường hiệu quả cho người khuyết tật có thể sống độc lập, bao gồm khả năng học tập và làm việc của họ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần thực hiện về xây dựng năng lực và tính bền vững. Chương trình mới sẽ cung cấp những dịch vụ này cho người khuyết tật, đồng thời xây dựng năng lực và tính hiệu quả nhằm đảm bảo các dịch vụ được tiếp nối sau khi chương trình kết thúc.

Dựa trên Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phục hồi chức năng được soạn thảo gần đây, chúng tôi sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo về vận động trị liệu, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu và quản lý chăm sóc y tế. Kế hoạch Hành động Quốc gia bắt nguồn từ thực tế là cán bộ và các cơ sở chưa được trang bị đầy đủ để giải quyết toàn diện các nhu cầu về xã hội và cá nhân của trẻ em khuyết tật và người lớn khuyết tật. Những vấn đề quan trọng này thường bị bỏ qua, dẫn tới tình trạng người khuyết tật và gia đình họ tiếp tục sống trong cảnh nghèo và thiếu tiếp cận tới dịch vụ. Các chương trình vật lý trị liệu hiện có vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chuyên môn cần thiết để cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Để đáp ứng những nhu cầu này, chương trình của chúng tôi sẽ xây dựng kỹ năng cho các cán bộ y tế và nâng cao tiếp cận của người khuyết tật tới các dịch vụ với chất lượng được cải thiện. Chúng tôi sẽ hợp tác cùng bệnh viện phục hồi chức năng cấp tỉnh và huyện, cũng như các trường đại học y khoa.

Mặc dù ở Việt Nam đã có một hệ thống bảo trợ xã hội và các cơ chế tài chính hiệu quả, nhưng những hệ thống này không phải lúc nào cũng đáp ứng được những nhu cầu cụ thể của người khuyết tật. Trẻ em khuyết tật là một trong số những nhóm dễ bị tổn thương nhất có tiếp cận hạn chế tới dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội và giáo dục. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có 1,3 triệu trẻ em khuyết tật. Do những hạn chế về dịch vụ và nguồn lực, các em không được phát hiện và can thiệp khuyết tật sớm trong những năm đầu đời quan trọng. Chương trình mới sẽ có sự tham gia của các cơ quan y tế, giáo dục và các vấn đề xã hội tiếp cận tới các cộng đồng để những dịch vụ trị liệu có thể thực hiện tại chỗ hoặc thông qua hoạt động chuyển gửi tới các cơ sở khác. Các bậc cha mẹ cũng sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để giảm thiểu tình trạng tự kỳ thị và có thể chăm sóc con cái họ tại nhà.

Chúng tôi nhận thấy rằng khả năng vận động đóng một vai trò quan trọng để người khuyết tật tái hòa nhập vào xã hội. USAID sẽ hỗ trợ lắp đặt và phân phối các thiết bị hỗ trợ có chất lượng, như xe lăn, thiết bị trợ thính, chân tay giả và các dụng cụ chỉnh hình tại các tỉnh trọng điểm. Chúng tôi tin rằng trong một môi trường thuận lợi, với các thiết bị hỗ trợ, những người bị khuyết tật vận động có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam, với cơ hội bình đẳng như những người khác.

Rất nhiều quyền mở ra cho người khuyết tật tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những quyền này, Chính phủ và xã hội dân sự cần lồng ghép chặt chẽ những mục tiêu về người khuyết tật vào chương trình phát triển xã hội và quốc gia, và xây dựng ngân sách hỗ trợ dồi dào cho các chương trình về người khuyết tật với sự tham gia của không chỉ các bộ có mặt trong khán phòng hôm nay. Cần có nỗ lực quốc gia để xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá cho chương trình về người khuyết tật và một hệ thống thông tin quốc gia về người khuyết tật. Đồng thời, các tòa nhà công cộng cần được thiết kế để người khuyết tật có thể tiếp cận. Người khuyết tật cần có vai trò chủ động trong cải thiện khả năng tiếp cận tại địa phương thông qua việc tham gia giám sát các ủy ban và vận động để cải thiện khả năng tiếp cận.

Tất cả các hoạt động này sẽ được phối hợp cùng nhau. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng việc khởi đầu và điều phối không phải lúc nào cũng suôn sẻ như mong muốn và vẫn còn có những khoảng trống. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra những cách thức để hợp tác với tất cả các bạn cũng như các bên khác để tối ưu hóa tác động từ việc hợp tác của chúng ta. Tôi muốn đặc biệt cảm ơn lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH và các cán bộ kỹ thuật vì sự nhiệt tâm của họ với mục tiêu này. Cùng nhau chúng ta có thể hỗ trợ sự quan tâm của Việt Nam về một xã hội trong đó người khuyết tật có quyền về hòa nhập xã hội và không phân biệt đối xử, bình đẳng về giáo dục, chăm sóc y tế, sự công bằng giống như tất cả những người khác được hưởng. Tôi chúc các bạn một hành trình thành công phía trước, chúc quý vị sức khỏe và hạnh phúc.

Xin cảm ơn.

Issuing Country