Ủy ban Tư vấn Hỗn hợp Việt Nam-Hoa Kỳ nêu bật hợp tác song phương về chất da cam

Các chuyên gia Việt Nam và Hoa Kỳ đã có cuộc đối thoại và cam kết sâu hơn để tìm kiếm các giải pháp khả thi nhằm giải quyết các
Các chuyên gia Việt Nam và Hoa Kỳ đã có cuộc đối thoại và cam kết sâu hơn để tìm kiếm các giải pháp khả thi nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan tới chất da cam/dioxin tại một cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Hà Nội.
Richard Nyberg/USAID

Dùng để đăng ngay

Thứ Hai, Tháng chín 24, 2012

HÀ NỘI, ngày 24/09/2012 -- Các chuyên gia Việt Nam và Hoa Kỳ đã có cuộc đối thoại và cam kết sâu hơn để tìm kiếm các giải pháp khả thi nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan tới chất da cam/dioxin tại một cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Hà Nội.

Trong hai ngày 20-21/9/2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Tư vấn Hỗn hợp Việt Nam – Hoa Kỳ (JAC) về chất da cam. JAC đã nhóm họp hàng năm kể từ năm 2006 để cung cấp tư vấn khoa học cho chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ về xử lý ô nhiễm dioxin và nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe có liên quan đến dioxin.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear đã nêu bật những thành quả đạt được trong hợp tác song phương nhằm giúp Việt Nam đối phó với những thách thức về môi trường và sức khỏe có liên quan đến chất da cam kể từ cuộc họp JAC lần trước diễn ra vào tháng 9/2011.

“Tháng trước, hai nước chúng ta đã khởi động một dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng,” Đại sứ Shear phát biểu. “Dự án này là một cột mốc quan trọng trong những nỗ lực chung của chúng ta để giải quyết những hậu quả của chất da cam ở Việt Nam. Và dự án đó có được một phần lớn là nhờ những nền tảng chung mà chúng ta đã tạo ra được thông qua những cuộc đối thoại như thế này, cùng với sự ủng hộ của những nhà lãnh đạo chính trị tại Hoa Kỳ như Thượng nghị sỹ Patrick Leahy.”

Ngày 9/8/2012, Bộ Quốc Phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khởi công dự án chung xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng, một trong ba “điểm nóng” tại Việt Nam bị ô nhiễm dioxin từ chất da cam.

Trước khi diễn ra cuộc họp JAC, các thành viên JAC đã tới thăm hai điểm nóng khác tại các căn cứ không quân Biên Hòa và Phù Cát. Trong chuyến thăm, các thành viên JAC đã khảo sát bãi chôn lấp do Bộ TNMT và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) xây dựng tại Phù Cát để xử lý ô nhiễm dioxin tại đây. Các thành viên cũng điểm lại các kế hoạch của Bộ Quốc phòng Việt Nam về xử lý ô nhiễm dioxin tại Biên Hòa và những nỗ lực hiện tại của Bộ TNMT và UNDP nhằm giải quyết ô nhiễm trên cơ sở tạm thời và nghiên cứu những công nghệ xử lý mới. USAID đã công bố sẽ thúc đẩy các nỗ lực của Bộ TNMT và UNDP và tiến hành đánh giá môi trường để xác định mức độ ô nhiễm tại Biên Hòa và đánh giá các công nghệ xử lý đã được chứng minh về mặt khoa học.

JAC bao gồm các nhà khoa học và quan chức của Bộ TNMT, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao, Bộ Y tế và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ Việt Nam; và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) từ Hoa Kỳ. JAC được đồng chủ tọa bởi Tiến sĩ Lê Kế Sơn, Tổng Giám đốc Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 33 (thuộc Bộ TNMT) và Tiến sĩ Jennifer Orme-Zavaleta, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phơi nhiễm Quốc gia (thuộc EPA).