Chương trình do Hoa Kỳ tài trợ giúp củng cố hệ thống luật pháp của Việt Nam để phòng chống nạn buôn người hiệu quả hơn

Dùng để đăng ngay

Thứ Hai, Tháng mười hai 2, 2013

HÀ NỘI, 2/12/2013 -- Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Việt Nam cải thiện khung pháp lý nhằm phòng chống nạn buôn người hiệu quả hơn thông qua một chương trình kéo dài 5 năm vừa kết thúc tuần trước.

Chương trình “Tăng cường Khuôn khổ Luật pháp và Chính sách và Cải thiện Công tác Bảo vệ Nạn nhân ở Việt Nam” do Dự án Liên Minh Các Tổ chức Liên Hợp Quốc về Phòng chống Buôn bán người (UNIAP) thực hiện đã hỗ trợ một loạt nỗ lực nhằm củng cố khung pháp lý và chính sách về phòng chống mua bán người, trong đó có hỗ trợ xây dựng và áp dụng Luật Phòng, Chống mua bán người và các văn bản dưới luật liên quan. Thông qua chương trình này, kể từ năm 2008, Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp 900.000 đô la giúp bảo vệ các nạn nhân của việc buôn bán người và gia đình của họ, đồng thời giúp họ phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

“Việt Nam giờ đây có một khung pháp lý mạnh hơn để giải quyết nạn buôn người.  Chương trình hỗ trợ này đã khuyến khích nhiều giải pháp phòng chống sáng tạo thông qua huy động sự tham gia của các nhân tố mới như doanh nghiệp, thanh tra lao động và các nhà báo làm việc trong lĩnh vực phòng chống mua bán người,” Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker cho biết. “Bây giờ là lúc cần tăng cường việc thực thi pháp luật.”

Ngoài đào tạo 95 cán bộ thực thi pháp luật và 147 cán bộ tư pháp hình sự nhằm nâng cao công tác thực thi pháp luật, chương trình giúp cung cấp dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân của việc buôn bán người, khuyến khích việc phòng ngừa, giúp phối hợp truy tố tội phạm buôn người.  Trong 5 năm thực hiện, chương trình đã tiến hành các khóa tập huấn về phòng chống mua bán người cho 30 nhà báo, 55 thanh tra lao động và 108 đại diện từ các doanh nghiệp. Chương trình cũng tài trợ cho ba tổ chức trong nước cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân và đào tạo 767 nhân viên làm việc trong các nhà tạm lánh để họ có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nạn nhân của việc buôn bán người.

Trong khuôn khổ mô hình tài trợ nhỏ của chương trình, Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên cũng nhận được hỗ trợ kỹ thuật để giúp đỡ 41 nạn nhân của việc buôn bán người, trong đó hơn 50% là người dân tộc thiểu số. Các dịch vụ hỗ trợ dành cho các nạn nhân bao gồm chăm sóc y tế, đào tạo kỹ thuật, cho vay vốn để thực hiện các hoạt động tạo thu nhập và các hỗ trợ khác. Một chương trình tự cải thiện nhà tạm lánh đã liên kết tám nhà tạm lánh dành cho các nạn nhân của việc buôn bán người trên toàn quốc, giúp họ cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng dịch vụ dành cho các nạn nhân. Chương trình cũng thiết lập một mạng lưới các nhà tạm lánh và các nhà cung cấp dịch vụ khác để những người làm công tác hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt nhất đồng thời củng cố các cơ chế chuyển tuyến nhằm hỗ trợ nạn nhân tốt hơn.

Các cơ quan nhà nước của Việt Nam là đối tác trong chương trình này bao gồm Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tòa Án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp huyện.