Liên minh Quốc tế do Hoa Kỳ hỗ trợ tổ chức hội nghị đầu tiên về thúc đẩy giáo dục kỹ thuật

Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại Hội nghị Giáo dục Kỹ thuật Việt Nam.
Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại Hội nghị Giáo dục Kỹ thuật Việt Nam.
Randy Flay/USAID

Dùng để đăng ngay

Thứ Ba, Tháng ba 19, 2013

CẦN THƠ, ngày 19/3/2013 -- Chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (HEEAP) do Hoa Kỳ hỗ trợ tổ chức hội nghị lần thứ nhất nhằm tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo chính phủ, các trường đại học và các doanh nghiệp cùng nhau bàn bạc và phối hợp để cải thiện giáo dục kỹ thuật trong khu vực Đông Nam Á.

Hội nghị Giáo dục Kỹ thuật Việt Nam được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ trong hai ngày tập trung vào các biện pháp để xây dựng hệ thống giáo dục đại học bền vững, các phương pháp đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục kỹ thuật và các phương pháp đổi mới giảng dạy. Hội nghị sẽ giới thiệu "Đại lộ công nghệ", nơi trưng bày về phần mềm mô phỏng kỹ thuật tiên tiến, các công cụ thiết kế kỹ thuật, hệ thống quản lý học tập và sinh viên và phòng thí nghiệm robot của sinh viên.

"Chương trình HEEAP thúc đẩy việc giảng dạy và học tập ngành kỹ thuật bậc đại học thông qua một chương trình phát triển đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo," ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. Ông lưu ý rằng phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế. "Chúng tôi tự hào rằng Chương trình HEEAP chú trọng tăng cường sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực kỹ thuật."

Hội nghị này còn có sự tham gia của ông William Colglazier, Cố vấn Khoa học và Công nghệ cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, và đại diện lãnh đạo của các đối tác trong Chương trình HEEAP: ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), bà Sherry Borger, Tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam, và bà Linda Rae, Chủ tịch công ty Keithley Instruments,Tektronix Đông Nam Á, và hiệu trưởng tám trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam.

Chương trình HEEAP được khởi xướng năm 2010 bao gồm các đối tác ban đầu là USAID, Tập đoàn Intel và Đại học bang Arizona. Từ năm 2010 đến năm 2012, 122 giảng viên đã được đào tạo trong khuôn khổ Chương trình HEEAP và đang thực hiện các dự án đổi mới phương pháp giảng dạy. Chương trình HEEAP mở rộng được thực hiện trong thời gian từ năm 2013 đến 2017 với mức tài trợ dự tính khoảng 40 triệu USD. Sau khi được đào tạo, các giảng viên này tập trung vào đào tạo đội ngũ lãnh đạo, đào tạo giảng viên, giáo trình, phòng Lab và cơ sở vật chất, mạng lưới đào tạo từ xa, đa dạng giới và phát triển cán bộ giảng dạy và tiếng Anh.

Mục tiêu của HEEAP là giúp sinh viên tốt nghiệp có thể "sẵn sàng làm việc" và cung cấp một lực lượng lao động được đào tạo chất lượng cao tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, HEEAP đặt mục tiêu tăng cường hợp tác giáo dục và nghiên cứu và quan hệ đối tác kinh doanh giữa Việt Nam và các quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ.

HEEAP có kế hoạch sẽ tổ chức hội nghị tương tự hàng năm.

Để biết thêm thông tin về Chương trình HEEAP, vui long truy cập: http://heeap.org