Bài phát biểu của Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker tại Hội nghị Diễn đàn Người khuyết tật châu Á – Thái Bình Dương

Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại Hội nghị.
Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: USAID/Vietnam

Dùng để đăng ngay

Thứ Sáu, Tháng mười một 28, 2014

HÀ NỘI, ngày 28/11/2014 -- Ngày hôm qua, người dân Hoa Kỳ ăn mừng Lễ Tạ ơn bằng cách nói lời cảm ơn. Tôi thấy ngày lễ này như kéo dài thêm một ngày, khi sáng nay tôi nhận được một tin vui đặc biệt là Quốc hội đã phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật. Tôi xin cảm ơn Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam đã đăng cai tổ chức Diễn đàn Người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương (APDF) năm nay, cơ hội cho chúng ta lắng nghe và hỗ trợ những người khuyết tật trong khu vực. Họ đại diện cho một bộ phận lớn trong con số ước tính 1 tỷ người khuyết tật trên thế giới. Tôi rất vinh hạnh đại diện cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và các đối tác của mình trong công tác hỗ trợ hoạt động quan trọng này, với chúng tôi đây là một phần quan trọng trong mục tiêu của USAID về phát triển bền vững và toàn diện. Không một quốc gia nào được xem là thành công nếu đến 15% dân số không được tiếp cận cơ hội và quyền của mình?

Công ước Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới ký kết, phản ánh những nỗ lực không ngừng nghỉ của rất nhiều người như quý vị ở đây. Những nỗ lực ấy sẽ còn lớn hơn nhằm đảm bảo việc phê chuẩn nhanh chóng và thực hiện mạnh mẽ công ước này. Chúng tôi hoan nghênh các thành viên và những người ủng hộ APDF như các quý vị ở đây vì những bước tiến đã đạt được hướng tới mục tiêu của CRPD và Chiến lược Incheon để hiện thực hóa quyền cho người khuyết tật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị APDF đầu tiên này sẽ xem xét những bước phát triển gần đây và cân nhắc chiến lược mới nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật là một cơ hội quan trọng. Với chiến lược mới, chúng ta sẽ tiếp tục củng cố cam kết của mình và tăng cường quan hệ hợp tác.

Từ năm 1989, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ và hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam và nhiều tổ chức phi chính phủ, của Việt Nam và Hoa Kỳ, để thúc đẩy quyền của người khuyết tật và mở rộng cơ hội tại Việt Nam. Chúng ta đã xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm việc xây dựng và thực thi chính sách cho người khuyết tật, dịch vụ y tế và giáo dục, đào tạo kỹ năng nghề và việc làm cho người khuyết tật.

USAID đã hỗ trợ một hội nghị khu vực tương tự do Chính phủ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2001 để thúc đẩy Thập kỷ châu Á và Thái Bình Dương về Người khuyết tật, từ 1993-2002. Chủ đề của hội nghị đó là “Hỗ trợ Hòa nhập Cộng đồng cho Người khuyết tật”. Kể từ đó, đã có nhiều thay đổi đem lại lợi ích cho người khuyết tật, bằng việc thúc đẩy cơ hội công bằng và đảm bảo tiếp cận tốt hơn đến dịch vụ y tế, giáo dục và việc làm. Tôi cũng rất tự hào khi là một công dân Hoa Kỳ trước những hỗ trợ riêng từ các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ dành cho người khuyết tật Việt Nam.   

Trong những năm đầu, USAID hỗ trợ mạng lưới các chuyên gia y tế cải thiện chất lượng chân tay giả và dịch vụ chỉnh hình tại Việt Nam. Chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng gần 10 cơ sở cung cấp chân tay giả và chỉnh hình, cũng như các xưởng sản xuất phục vụ người khuyết tật từ nông thôn đến các vùng sâu vùng xa. Từ năm 1996, nhận thấy nhu cầu giáo dục cho trẻ khuyết tật, và hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, USAID đã mở rộng hoạt động hỗ trợ của mình, bổ sung thêm chương trình với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chúng tôi đã cùng hợp tác đào tạo hàng ngàn giáo viên và hiệu trưởng các trường về chủ đề giáo dục hòa nhập. Chúng tôi tự hào hỗ trợ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh nhiều chính sách nhằm đảm bảo trẻ khuyết tật được đến trường.

Tổng thống Obama trong tuyên bố gần đây về Tháng Nhận thức Quốc gia về Việc làm cho Người khuyết tật đã nêu “khi nhân viên khuyết tật bị bỏ qua ở nơi làm việc hoặc bị từ chối có nơi ở công bằng, điều này hạn chế tiềm năng của họ và đe dọa nền dân chủ của chúng ta; khi con số người Mỹ khuyết tật thất nghiệp còn thiếu cân đối, thì còn nhiều việc cần phải làm để đạt được tinh thần của một trong những bộ luật quyền dân sự toàn diện nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta”. Lời của tổng thống Obama có thể là lời của các nhà lãnh đạo thuộc bất kỳ quốc gia nào có tâm huyết với chủ đề về người khuyết tật. Tôi hoan nghênh những nỗ lực hiện tại của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ các tỉnh triển khai chương trình dạy nghề đa dạng nhằm đem lại cơ hội việc làm tốt hơn cho người khuyết tật. Biện pháp tiếp cận đa dạng này đã nhận được sự hỗ trợ từ chương trình của USAID từ năm 1998. Giải pháp này tiếp tục là một mô hình thành công trong hoạt động tìm việc làm và tạo thu nhập cho một nhóm lớn người khuyết tật, đặc biệt là những người khuyết tật ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. USAID cũng tự hào hỗ trợ quan hệ đối tác của Hội đồng Doanh nghiệp Dải băng xanh, bao gồm gần 250 công ty trong nước và quốc tế, đem lại việc làm cho hơn 2.000 người khuyết tật.

Trong một loạt các chương trình song song được thực hiện từ năm 1998, USAID đã hỗ trợ xây dựng luật về người khuyết tật và xây dựng năng lực cho các tổ chức của người khuyết tật. Những nỗ lực này giúp thành lập Ủy ban Điều phối Quốc gia về Người khuyết tật, ban hành kế hoạch hành động quốc gia về người khuyết tật và phục hồi chức năng, thông qua các tiêu chuẩn và bộ mã không rào cản, và ban hành Luật Người khuyết tật Việt Nam.

USAID tiếp tục cam kết của mình trong hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam, thông qua chiến lược 5 năm hiện tại để giúp Việt Nam xây dựng một xã hội toàn diện hơn. Chương trình dành cho người khuyết tật của chúng tôi kéo dài từ 2014-2018 sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng chính sách và tuyên truyền cho vấn đề người khuyết tật, bao gồm hỗ trợ Việt Nam tham gia vào CRPD. Chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện chất lượng và việc áp dụng các biện pháp trị liệu vận động, trị liệu nghề nghiệp và trị liệu ngôn ngữ. Những hoạt động này có thể là điểm khởi đầu để người khuyết tật tăng cường tiếp cận tới dịch vụ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho mình.

Chính phủ Việt Nam và cộng đồng người khuyết tật cùng những người ủng hộ cần tiếp tục những nỗ lực của mình nhằm duy trì những thành quả và tiến bộ quan trọng đã đạt được trong xây dựng chính sách về người khuyết tật Việt Nam. Việc Quốc hội sắp tới sẽ phê chuẩn Công ước chính là bước quan trọng tiếp theo trong những nỗ lực đó.

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng một khuôn khổ pháp lý vững mạnh có thể không tạo ra nhiều tác động nếu không kết hợp với công tác thực hiện mạnh mẽ. Chủ đề của Hội nghị là “Thúc đẩy Hành động để Hiện thực hóa các quyền” cho thấy sự liên quan chặt chẽ. Các chính sách cần được chuyển thành hành động, đưa tới một xã hội dựa trên quyền, có thể tiếp cận và đem lại cơ hội công bằng cho người khuyết tật. Các tòa nhà phải dễ ra vào. Giáo dục phải được đảm bảo. Các tổ chức của người khuyết tật phải được hỗ trợ và có cơ hội việc làm công bằng. Hợp tác cùng nhau với cam kết cấp cao mạnh mẽ, chúng ta có thể làm được.

USAID rất mong tiếp tục quan hệ hợp tác với Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và xã hội dân sự nhằm xây dựng một xã hội toàn diện hơn cho người khuyết tật, dựa vào tiếng nói của người khuyết tật để dẫn dắt chúng ta. Chúng tôi xin chúc hội thảo thành công tốt đẹp và chúc quý vị đại biểu sức khỏe, thành công và hành phúc.

Xin cảm ơn.