Dự án mới của Hoa Kỳ đưa các dịch vụ và hỗ trợ toàn diện đến với người khuyết tật

Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker trao giải thưởng cho người lao động khuyết tật.
Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker trao giải thưởng cho người lao động khuyết tật.
Richard Nyberg/USAID

Dùng để đăng ngay

Thứ Tư, Tháng tư 17, 2013

HÀ NỘI, 17/04/2013 -- Hôm nay, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear chính thức công bố một dự án mới do Hoa Kỳ hỗ trợ nhằm cung cấp một loạt các dịch vụ toàn diện sẽ phục vụ khoảng 10.000 người khuyết tật.

Chương trình Hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ giúp đào tạo hướng nghiệp và hỗ trợ để trẻ em khuyết tật có thể tiếp cận bình đẳng với giáo dục cũng như các dịch vụ khác. Dự án có trị giá 9 triệu USD này cũng sẽ giúp nâng tính cao hiệu quả và tiếng nói của các tổ chức người khuyết tật thông qua các gói tài trợ nhỏ đồng thời hỗ trợ người khuyết tật với các dịch vụ phẫu thuật chỉnh hình, vật lý trị liệu, các thiết bị trợ giúp, ngôn ngữ trị liệu và phục hồi chức năng nghề nghiệp.

"Hôm nay, nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam, tôi vui mừng giới thiệu dự án mới của USAID", Đại sứ Hoa Kỳ David Shear phát biểu tại một buổi lễ tại Hà Nội. "Hỗ trợ của chúng tôi đến với nơi làm việc, các gia đình và trường học để thúc đẩy sự hòa nhập xã hội sâu rộng hơn nữa của người khuyết tật".

Một mục tiêu quan trọng của dự án là xây dựng một hệ thống quản lý theo trường hợp, giúp người khuyết tật tiếp cận những dịch vụ chuyên biệt có chất lượng. Để thực hiện dự án mới này, USAID và các đối tác thực hiện dự án là tổ chức DAI và Hội Bảo trợ Người khuyết tật Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo các vấn đề người khuyết tật và các Sở, Ban ngành thuộc thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bình Định và Đồng Nai và các tỉnh khác.

Tại buổi lễ hôm nay, Đại sứ David Shear cũng trao giải thưởng cho cho một số công ty trong nước và quốc tế là thành viên của Hội đồng Dải băng xanh (BREC), một tổ chức gồm 160 thành viên cũng do USAID hỗ trợ, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp này vì đã tích cực tuyển dụng lao động khuyết tật.

"Tuyển dụng lao động khuyết tật không phải là một hành động từ thiện", Đại sứ David Shear cho biết. "Việc làm đó thể hiện trách nhiệm xã hội mạnh mẽ của doanh nghiệp và giúp củng cố nền kinh tế của Việt Nam thông qua việc gắn kết người lao động có năng lực này với các lĩnh vực quan trọng".

Các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật của Chính phủ Hoa Kỳ với tổng trị giá 54 triệu USD kể từ năm 1989 đến nay được khởi đầu và đang tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong Quốc hội Hoa Kỳ từ Thượng nghị sỹ Patrick Leahy và các nghị sỹ khác. Thông qua các chương trình hỗ trợ, người khuyết tật tại Việt Nam nhận được các dịch vụ phục hồi chức năng, dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình và dịch vụ chăm sóc với chất lượng được nâng cao thông qua việc tập huấn và đào tạo cho bác sỹ và các cán bộ y tế. Chính phủ Hoa Kỳ cũng hỗ trợ việc xây dựng chính sách dẫn đến việc ban hành Luật Người khuyết tật Việt Nam và các quy định khác nhằm giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận các công trình xây dựng, các phương tiện giao thông và truyền thông thông qua ngôn ngữ ký hiệu và các phương tiện khác.