Hội thảo do Hoa Kỳ tài trợ giúp tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Hồng

Dùng để đăng ngay

Thứ Sáu, Tháng sáu 6, 2014

NAM ĐỊNH, ngày 6/6/2014 -- Với hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định và Ban quản lý Khu dự trữ Sinh quyển Đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng tổ chức hội thảo trong hai ngày với mục tiêu giúp đẩy mạnh các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu mang tính nhất quán cho toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng.

Hội thảo chuyên đề “Đồng bằng sông Hồng trước Ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu: Mức độ Dễ bị tổn thương và các Giải pháp ứng phó” là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các nhà tài trợ quốc tế và các cán bộ chính phủ, bao gồm đại diện các tỉnh đồng bằng sông Hồng, chia sẻ những thông tin hiện có về mức độ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Hồng. Các đại biểu cùng thảo luận về các chính sách và những nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết những tác động được dự báo do biến đổi khí hậu gây ra và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Hồng.

“USAID cam kết giúp đảm bảo rằng đồng bằng sông Hồng với vị thế quan trọng sẽ nhận được sự quan tâm không thua kém so với đồng bằng sông Cửu Long. Việc phân tích và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu cho toàn bộ hệ thống đồng bằng sông Hồng có ý nghĩa quan trọng với sức khỏe và sự thịnh vượng của một vùng dân cư rộng lớn của khu vực này”, Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker cho biết. “Mục tiêu của diễn đàn là đảm bảo khi một tỉnh chú trọng tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu của tỉnh mình sẽ không gây ra hậu quả bất lợi cho các tỉnh xung quanh bằng cách nhấn mạnh cách tiếp cận trên quy mô cả vùng đối với biến đổi khí hậu”.

Biến đổi khí hậu được dự báo có tác động tiêu cực đến vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng của Việt Nam, trong đó nông dân và người có thu nhập thấp được xác định là các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Một số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng đã xây dựng các kế hoạch hành động cấp tỉnh và thực hiện các dự án thí điểm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu có sự phối hợp ở cấp vùng lại chưa được xây dựng. Thông qua diễn đàn này, các đại biểu được trông đợi sẽ đưa ra các đề xuất về một kế hoạch hành động toàn diện và bền vững cho toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng.

Hội thảo này là một phần trong Chương trình Rừng và Đồng bằng Việt Nam do USAID tài trợ. Dự án này kéo dài 5 năm với các mục tiêu giúp tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu cho người dân, các khu vực và sinh kế, đồng thời hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải trong lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp.