USAID sẽ tài trợ các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm chống buôn lậu động vật hoang dã

Dùng để đăng ngay

Thứ Tư, Tháng tư 22, 2015

HÀ NỘI, 22/04/2015 -- Hôm nay, nhân ngày Trái Đất, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ phối hợp với Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, Viện Smithsonian và mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC khởi động cuộc thi Giải pháp Công nghệ chống tội phạm về Động vật hoang dã (Wildlife Crime Tech Challenge) nhằm tìm kiếm và trao tài trợ cho các giải pháp khoa học và công nghệ sáng tạo giúp chống nạn buôn lậu động vật hoang dã. Cuộc thi toàn cầu này sẽ trao 4 khoản tài trợ trị giá tối đa 500,000 đô la mỗi khoản cho các giải pháp sáng tạo về khoa học và công nghệ giúp ngăn chặn loại tội phạm đang ngày càng nghiêm trọng này.

“Trong những năm gần đây có sự gia tăng mạnh về mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã và có sự đồng thuận ngày càng cao rằng các mô hình bảo tồn theo cách truyền thống không đủ để bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn các hệ sinh thái,” Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker cho biết. “Thông qua khai thác sức mạnh của khoa học và công nghệ, chúng tôi hy vọng rằng cuộc thi sáng tạo này sẽ giúp vượt qua những rào cản quan trọng trong cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã.”

Cuộc thi này tập trung vào 4 vấn đề trong cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã: phát hiện các nguồn trung chuyển, tăng cường thông tin và bằng chứng pháp y, giảm nhu cầu tiêu thụ và chống tham nhũng. Sau khi lựa chọn được những người thắng cuộc, ban tổ chức cuộc thi sẽ tạo một cộng đồng gồm các nhà sáng tạo, người sử dụng và công chúng và cộng đồng này sẽ phối hợp để thúc đẩy sáng tạo và phổ biến những kết quả đạt được. Để tìm hiểu về cuộc thi Giải pháp Công nghệ chống tội phạm về Động vật hoang dã và cách thức nộp hồ sơ tham gia, xin mời truy cập: http://wildlifecrimetech.org

Buôn lậu động vật hoang dã đã nổi lên trở thành một trong những ưu tiên trong hỗ trợ của USAID khi mà nạn săn bắt bất hợp pháp tiếp tục diễn ra và hủy hoại các thành quả về bảo tồn, các triển vọng kinh tế và an ninh. Đồng thời, hoạt động buôn lậu ngà voi, sừng tê giác và các bộ phận động vật hoang dã khác trị giá từ 10 đến 20 tỷ đô la mỗi năm là nguồn cung cấp tài chính cho các tổ chức tội phạm và khủng bố. Việt Nam đứng thứ 16 trong số các nước giàu có nhất về đa dạng sinh học trên thế giới nhưng cũng là một trung tâm lớn về buôn lậu động thực vật hoang dã, là nguồn cung cho thị trường trong nước và quốc tế với nhiều loài động vật sống, bộ phận động vật và các cây dược liệu. Việt Nam vừa là nước có nguồn cầu lớn và là trung tâm trung chuyển ngà voi và sừng tê giác cũng như các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng khác.

USAID đã và đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác là các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, các đối tác quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự để ngăn chặn mua bán động vật hoang dã, trong đó có thông qua Chương trình Ứng phó Khu vực với Nạn buôn lậu Động vật Hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại châu Á của USAID (ARREST). Chương trình này có mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã và tăng cường hoạt động thực thi pháp luật, đẩy mạnh hợp tác trong khu vực và củng cố các mạng lưới chống buôn lậu. USAID đang tăng cường hỗ trợ về chống buôn lậu động thực vật hoang dã tại Việt Nam trong khuôn khổ Chính sách Đa dạng Sinh học được công bố tháng 7/2014 trong đó xác định Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong các chương trình hỗ trợ về đa dạng sinh học. Các hoạt động hỗ trợ mới về chống buôn bán động vật hoang dã sẽ giúp củng cố hệ thống luật pháp, tăng cường năng lực thực thi pháp luật và triển khai các chiến lược sáng tạo nhằm giảm nhu cầu về các sản phẩm từ động vật hoang dã.