Xây dựng văn hóa an toàn lao động tại các công trường xây dựng của Việt Nam

Trao chứng chỉ an toàn lao động cho các cán bộ quản lý công nhân làm việc 500.000 giờ không có tai nạn vào tháng 2/2015.
Trao chứng chỉ an toàn lao động cho các cán bộ quản lý công nhân làm việc 500.000 giờ không có tai nạn vào tháng 2/2015.
CDM Smith
Hoạt động xử lý ô nhiễm dioxin ở Sân bay Quốc tế Đà Nẵng tuân thủ các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ
“Sức khỏe và an toàn là kiến thức quan trọng nhất mà các nhân viên sẽ mang theo họ, cả trong công việc và cuộc sống.”

Tháng 11/2016 -- Đi ngang qua một công trường xây dựng thông thường của Việt Nam, sẽ không khó để thấy một vài mái đầu không đội mũ bảo hộ, có người không mặc áo bảo hộ, đi chân trần hoặc dép lê và trang bị lao động hay lưới bảo vệ chống rơi ngã chỉ ở mức tối thiểu. Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, cắt giảm thấp chi phí thường vẫn được ưu tiên hơn so với vấn đề an toàn của công nhân tại các dự án xây dựng trong nước.

Khác với tình hình chung này, công nhân và nhân viên quản lý người Việt Nam trong Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng của USAID đã áp dụng thành công các quy định nghiêm ngặt về sức khỏe và an toàn trong khu vực công trường tương đương với các tiêu chuẩn của của Cơ quan Quản lý Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp Hoa Kỳ.

Ông Karl Tilgner, quản lý về an toàn và sức khỏe tại công trường cho biết “Chúng tôi phải xây dựng văn hóa an toàn lao động ở đây bởi trước đây chưa từng có khái niệm này. Công nhân tham gia tập huấn bắt buộc trong 2 ngày về an toàn xây dựng và chất thải nguy hại và hàng năm sẽ có các khóa tập huấn nhắc lại kiến thức kéo dài 8 tiếng cho mỗi khóa. Điều này hoàn toàn khác biệt với những buổi tóm tắt về an toàn trong vòng 15 đến 30 phút và được thực hiện duy nhất một lần ở các dự án xây dựng khác trong nước. Và cứ 5 đến 6 công nhân thì luôn có ít nhất một cán bộ phụ trách an toàn và sức khỏe có mặt trên công trường.”

Sau ba năm thực hiện dự án, khoảng 500 công nhân đã hoàn thành hơn 800.000 giờ làm việc an toàn. Ông Tilgner đánh giá công trường tại Đà Nẵng “có thể sánh ngang với làm việc tại công trường xây dựng ở Hoa Kỳ”. Ông cho biết thêm “Mục đích của chúng tôi là để công nhân thấm nhuần một cách nhìn khác về vấn đề an toàn và sức khỏe mà họ có thể áp dụng trong cả sự nghiệp của mình.”

Việc tham gia xử lý ô nhiễm tại công trường dự án của USAID đem lại nền tảng kiến thức mới cho nhiều người, từ bản thân người lao động đến cán bộ phụ trách sức khỏe và an toàn, tới các nhà quản lý tại Vinausen, một nhà thầu phụ Việt Nam của dự án. Sau khi được các đồng nghiệp Mỹ tập huấn, Vinausen hiện có bốn nhân viên người Việt giúp công ty tự thực hiện các khóa tập huấn về sức khỏe và an toàn. Điều này đặc biệt quan trọng bởi những nhân viên này có hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ để truyền đạt thông tin tới đồng nghiệp người Việt của họ.

Bùi Thị Hiên, quản lý dự án Vinausen, cho biết chị thấy tự hào bởi “Sức khỏe và an toàn là những kiến thức quan trọng nhất mà các nhân viên sẽ mang theo, cả trong công việc và cuộc sống.”

“Tôi rất hài lòng với cách quản lý ở đây quan tâm đến công nhân” anh Mai Thế Anh, một trong những cán bộ phụ trách sức khỏe và an toàn tại công trường cho biết. Anh khẳng định rằng mình học được “rất nhiều kiến thức” từ dự án này và “chắc chắn” sẽ sử dụng trong công việc tương lai. Anh cũng tự tin rằng, với năng lực chuyên môn của mình, anh có thể thảo luận với cấp trên trong tương lai về các tiêu chuẩn an toàn cao hơn.

Anh Trẩn Bá Học, một công nhân tại công trường, cũng đồng tình rằng anh sẽ mang theo những kinh nghiệm mới này và chia sẻ với bạn bè cùng làm xây dựng. Anh cũng khẳng định rằng những kiến thức này sẽ có tác động đến lựa chọn công việc của anh trong tương lai bởi như anh chia sẻ thì “Bạn có thể tìm một công việc khác, nhưng cuộc sống thì chỉ có một mà thôi.”