Việt Nam thăng bậc về môi trường kinh doanh

Ông Nguyễn Đình Cung, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trao đổi với báo chí
Ông Nguyễn Đình Cung, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trao đổi với báo chí về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh
Nguyễn Vân Anh/ Chương trình GIG của USAID
Tiến bộ đáng kể của Việt Nam được ghi nhận trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới
“Chúng tôi nhận thấy có thay đổi lớn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Công ty chúng tôi đã tiết kiệm nhiều thời gian nhờ các thủ tục thuế và hải quan được tinh giản.”

Tháng 01/2017 -- “Cách đây 2 năm, công ty chúng tôi phải vật lộn với nhiều thách thức. Chúng tôi phải mất ít nhất một tuần để chuẩn bị hồ sơ thuế, phải chờ đợi nhiều ngày mới thông quan được hàng nhập khẩu và điều này làm cho chi phí lao động của công ty chúng tôi đội lên rất nhiều,” chị Vũ Kim Giang, một cán bộ xuất nhập khẩu của Công ty May 10, cho biết.

Trong nhiều năm, Việt Nam đứng sau hầu hết các quốc gia khác thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong bảng xếp hạng báo cáo về chỉ số thuận lợi trong kinh doanh (Doing Business Report) do Ngân hàng Thế Giới công bố hàng năm. Báo cáo này so sánh mức độ dễ dàng tuân thủ các chính sách và thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp trong nước tại 189 nền kinh tế. Mặc dù Việt Nam đã có sự phát triển đáng chú ý trong một số lĩnh vực nhưng vị trí xếp hạng của Việt Nam không kích thích đầu tư nước ngoài và thương mại.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam đã thực hiện một loạt các cải cách trong những năm gần đây để cải thiện môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Kể từ năm 2014, với hỗ trợ của USAID, Việt Nam đã thực hiện 3 phiên bản của Nghị quyết 19. Đây là một chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh đề ra những mục tiêu cải cách cao hơn mỗi năm và yêu cầu các bộ sửa đổi các quy trình nội bộ và các văn bản pháp lý có liên quan để thúc đẩy doanh nghiệp.

Để giúp thực hiện Nghị quyết 19, USAID đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khác để tập trung vào các vấn đề như đơn giản hóa thủ tục thuế, bảo hiểm xã hội và giấy phép xây dựng đồng thời củng cố quyền về đất đai và tài sản và khuyến khích cải cách các thủ tục hành chính, tư pháp.

USAID cũng giúp tập trung giúp cải cách các thủ tục xuất nhập khẩu để thúc đẩy thương mại. Để nghiên cứu các thách thức trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và hiểu rõ hơn các vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, CIEM và USAID thực hiện một loạt các chuyến thăm thực địa để khảo sát các rào cản và nhu cầu của doanh nghiệp và chính quyền địa phương, thực hiện các đánh giá chính sách, tổ chức các cuộc thảo luận kỹ thuật với các chuyên gia và tổ chức các hội thảo tham vấn.

Nhờ những nỗ lực cải cách được thực hiện thông qua Nghị Quyết 19, báo cáo về chỉ số thuận lợi trong kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận sự tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong năm vừa qua, tăng 9 bậc, từ vị trí 91 năm 2016 lên vị trí 82 năm 2017. Việt Nam đã tiến những bước dài trong những chỉ số về: bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ (tăng 31 bậc); thương mại xuyên biên giới (tăng 15 bậc); nộp thuế (tăng 11 bậc); tiếp cận điện (tăng 5 bậc, cộng với tăng 27 bậc trong năm trước). Từ năm 2016 đến 2017, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã giảm thời gian dành cho việc nộp thuế từ 827 xuống còn 540 giờ, thời gian dành cho thông quan hàng xuất khẩu từ 147 giảm xuống còn 115 giờ và thời gian thông quan hàng nhập khẩu từ 177 xuống còn 145 giờ.

“Chúng tôi thấy có thay đổi lớn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam,” chị Giang cho biết. “Công ty chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều thời gian nhờ các thủ tục thuế và hải quan được tinh giản. Chúng tôi đã giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ thuế từ một tuần xuống còn dưới 2 ngày và giảm thời gian thông quan hàng hóa từ một đến một ngày rưỡi. Chi phí lao động của công ty chúng tôi đã giảm khoảng 45.000 đô la mỗi năm, các loại nguyên liệu được đưa vào sản xuất sớm hơn và khách hàng nhận được đơn hàng đúng hạn. Việc kinh doanh của chúng tôi đã được cải thiện rất nhiều.”

Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của USAID hợp tác với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ thương mại, cải cách luật pháp và thể chế, quản trị nhà nước và tăng trưởng kinh tế cho mọi người dân. Dựa án do Chemonics International thực hiện từ năm 2013 đến 2018.

LINKS

Follow @USAIDVietnam, on Facebook, on Flickr, on YouTube