CÁC MỐI ĐE DỌA ĐẠI DỊCH MỚI NỔI (EPT-2)

Việt Nam là quốc gia dễ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi nghiêm trọng và có nguồn gốc từ động vật với khả năng phát triển thành đại dịch. Trong những năm gần đây, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch SARS, dịch cúm gia cầm tuýp A (H5N1), dịch cúm A (H5N6) và chủng gây đại dịch cúm A (H1N1). Các thực hành có nguy cơ cao liên quan đến an ninh sinh học của hoạt động chăn nuôi và nuôi động vật hoang dã, buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ động vật và nguy cơ lây truyền các loại virut mới nổi có nguồn gốc từ động vật sang người là một vấn đề nghiêm trọng và đòi hỏi nỗ lực ứng phó và dự phòng lâu dài. USAID hỗ trợ củng cố các hệ thống quốc gia để xử lý hiệu quả các mối đẹ dọa này cũng như các mối đe dọa khác về sức khỏe xuyên quốc gia và mới xuất hiện ở cả con người và động vật.

CÚM  

Mặc dù số đợt bùng phát dịch cúm tuýp A/H5N1 đã giảm mạnh trong những năm gần đây, nhưng các đợt bùng phát virut cúm này vẫn tiếp tục xuất hiện ở gia cầm và thi thoảng xuất hiện ở người. Cúm A/H5N1 vẫn tồn tại và có thể gây tử vong. Virut cúm A/H7N9 ở người và động vật lây truyền hàng năm ở Trung Quốc từ năm 2013 và cũng là một ví dụ về nguy cơ nghiêm trọng tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. Từ năm 2005, các đối tác được tài trợ bởi USAID đã thực hiện các hoạt động hợp tác ở cấp trung ương và tại các tỉnh có nguy cơ cao nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó, lập kế hoạch và phối hợp liên ngành ở cấp quốc gia và cấp vùng nhằm phát hiện và ngăn chặn lây truyền cúm và các bệnh truyền nhiễm khác từ động vật sang người. Phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, USAID đẩy mạnh công tác phát hiện và cảnh báo sớm các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm và cúm ở người thông qua cải thiện hoạt động giám sát quốc gia và dựa vào cộng đồng và nâng cao năng lực phản ứng nhanh. Các đối tác của USAID tập trung vào tương tác giữa hệ sinh thái con người và động vật trong khuôn khổ chương trình Một Sức khỏe và đã mở rộng quy mô công việc để bao gồm cả các bệnh lây truyền từ động vật sang người mới xuất hiện khác.

CÁC MỐI ĐE Dọa ĐẠI DỊCH MỚI NỔI

USAID khởi động chương trình Mối đe dọa Đại dịch Mới nổi giai đoạn 2 (EPT-2) năm 2014, một dự án phát huy những thành công của các dự án trước đây trong lĩnh vực giám sát dịch bệnh, tập huấn và ứng phó dịch bùng phát. Chương trình EPT-2 mở rộng các nền tảng hoạt động, quan hệ giữa các tổ chức và nền tảng kiến thức được phát triển trong thập kỷ vừa qua bởi chương trình EPT-1 và các hoạt động phòng chống cúm gia cầm của USAID nhằm ngăn chặn sớm hoặc ứng phó tại nguồn dịch của các dịch bệnh mới nổi có nguồn gốc từ động vật và giảm thiểu mối đe dọa tới sức khỏe con người. Chương trình EPT-2 tăng cường năng lực tại Việt Nam và hơn 20 quốc gia trọng điểm tại châu Phi và châu Á để ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các nguy cơ bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là những mục tiêu then chốt trong Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA) và Điều lệ Y tế Quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình GHSA, Việt Nam đang giữ vai trò đi đầu trên toàn cầu trong việc xử lý các bệnh lây truyền từ động vật sang người và với sự hỗ trợ của USAID và các đối tác khác, Việt Nam nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ở cấp trung ương và cấp vùng để sớm đạt được tầm nhìn một thế giới an toàn, không có nguy cơ bệnh truyền nhiễm.

Chương trình EPT-2 do USAID quản lý và được thực hiện ở cấp quốc gia thông qua một mạng lưới đối tác của EPT-2, với hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO).

Date 
Thursday, December 15, 2016 - 11:15pm